Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 1/8 đến ngày 7/8/2022

2022-08-07 19:01:00.0

 

1. Ngày 3/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 3654/UBND-KT về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thực hiện Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh; kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá; tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong tỉnh để ổn định giá cả thị trường. Sở Giao thông vận tải tăng cường rà soát công tác kê khai giá đối với các đơn vị kinh doanh vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc quản lý hiệu quả nguồn cung vật liệu xây dựng; xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn… 

2. Ngày 5/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 3715/UBND-KGVX về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hoàn thiện đầy đủ các văn bản liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, mở rộng quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, tăng cường quy mô của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập hiện có để thực hiện ngày càng tốt hơn việc chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập và phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, triển khai đồng bộ hóa dữ liệu và tích hợp thông tin các đối tượng cần trợ giúp về an sinh xã hội trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

UBND các huyện, thành phố tích cực, chủ động triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng tiến độ, thời gian quy định; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

3. Ngày 3/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 3642/UBND-CNNXD về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán vắc xin, thuốc thú y không rõ nguồn gốc; kiểm soát vận chuyển lợn trái phép; giá thịt lợn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Tại Công văn trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Văn bản số 2394/UBND-CNN&XD ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh về việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vắc xin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đặc biệt có tình trạng là vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, vắc xin Dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; lạm dụng sử dụng kháng sinh…, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào tỉnh; ổn định giá thịt lợn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chủ động phối hợp với cơ quan thú y, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện đối tượng mua, bán, vận chuyển động vật trái phép ra, vào địa bàn tỉnh; trường hợp kinh doanh, buôn bán thuốc, vắc xin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

4. Ngày 2/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 3606/UBND-CNNXD về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống một số dịch bệnh trên thủy sản nuôi; chủ động giám sát dịch bệnh thủy sản tại cơ sở, phát hiện sớm các trường hợp thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh,… để xử lý kịp thời, không để bùng phát, lây lan dịch bệnh; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nguyên nhân, điều tra dịch tễ, tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định; hướng dẫn các giải pháp xử lý cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi thủy sản, đặc biệt tại những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, kiểm dịch thú y; tổ chức quản lý chặt chẽ và thường xuyên thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản…

5. Ngày 5/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 3722/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố căn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 01/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý theo nguy cơ, đặc biệt là về nguy cơ ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu.

Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố, đặc biệt là kinh doanh, chế biến các sản phẩm thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật giá rẻ… Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở trong sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế tăng cường cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc.

6. Ngày 3/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 3658/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương giám sát chặt chẽ dịch trong cộng đồng, phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý kịp thời không để bệnh lây lan ra cộng đồng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng chống dịch và điều trị theo quy định; tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người mắc bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp tổ chức tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh Đậu mùa khỉ.

UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ; công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1499909