Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Giới thiệu về di tích lịch sử "Địa điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến"

2022-12-20 16:23:00.0

 

     Di tích lịch sử nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên công nhân theo Quyết định số 2386/QĐ-UBND, ngày 10/08/2017 về công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Địa điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến”

  1. Tên gọi, khảo tả di tích:

       Di tích “Địa điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến” nằm ở xóm Thống Nhất 3, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Diện tích đất khoanh vùng bảo vệ di tích rộng 1.281m­2, trong đó khu vực án táng rộng 335m2; khu vực cảnh quan tiếp giáp và khu vực phụ cận rộng 946m2. Công trình  được thiết kế với các hạng mục gồm: Nhà bia, khu đón khách, nhà sắp lễ, đường dẫn và bãi đỗ xe... Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành công trình nhà bia và đường dẫn vào khu di tích dài trên 1,4km; tổng kinh phí xây dựng gần 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và sự hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Thái Nguyên. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, công trình còn nhận được sự ủng hộ về vật chất và công lao động của nhiều người dân trên địa bàn.

  1. Chỉ dẫn đường đến di tích “điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến”

      Từ thành phố Thái Nguyên theo quốc lộ số 3 đi lên phía Bắc đến xã Sơn Cẩm rẽ phải  vào đường Thái Nguyên- Chợ Mới. Đi khoảng 3km rẽ phải đường vào xóm Thống Nhất 3 để xuống Di tích.

  1. Cuộc đời, sự nghiệp của nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến

     Sớm tâm đắc với tư tưởng Duy Tân cách mạng, Lương Ngọc Quyến nhận ra muốn đánh đuổi được kẻ thù, giành lại độc lập tự do cho đất nước thì phải học tập binh cơ võ bị tân thời. Vừa tròn 20 tuổi, Lương Ngọc Quyến lên đường sang Nhật theo tiếng gọi của phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu. Trong Ngục trung thư, Phan Bội Châu đã viết về người thanh niên quả cảm họ Lương: “Tháng 10 năm Ất Tỵ, tôi về nhà trọ cũ đã thấy một thanh niên đang chờ ở đó... Thì ra là Lương quân Lập Nham. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đôi mắt sáng quắc. Một thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão xa, chỉ nghe nói tôi mới sang Đông mà đã mạnh bạo bỏ nhà đi một thân một mình, không kể gì gian nan nguy hiểm. Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà mà được nhiều người có ý chí kiên cường mạo hiểm như Lương quân thì con đường phục quốc của ta sẽ rút ngắn được bao nhiêu...” Sau 5 năm theo học trường Chấn Vũ (1906 - 1911), Lương Ngọc Quyến thi tốt nghiệp đậu thủ khoa và xin học tiếp ở trường sỹ quan lục quân nhưng không được Bộ Tham mưu Nhật chấp thuận nên đã rời Nhật về Trung Quốc xin học trường Lục Quân Trắc Hội. Tháng 3/1912, ông được bầu làm ủy viên trong Bộ Chấp hành của Việt Nam Quang Phục Hội. Hai năm sau ông về nước gây dựng cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, được đề cử trọng trách “khẩn điền, luyện quân” tại Xiêm, công trình Phan Bội Châu đang thực hiện dở, mở mang chiêu tập kiều bào thành lập chiến khu, từ sự ủng hộ của các thương gia yêu nước mua thêm vũ khí, rèn luyện binh sĩ chờ thời cơ khởi nghĩa.

     Bị mật thám Anh bắt rồi trao cho thực dân Pháp, Lương Ngọc Quyến bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, rồi giải lên Cao Bằng, Phú Thọ. Vừa bị dụ dỗ vừa bị hành hạ tra khảo nhưng ông nhất quyết không khai ra các đồng chí và tổ chức cách mạng. Chúng lại giải ông về Hỏa Lò cho tù cầm cố. Trong ngục ông vẫn tìm cách tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc của các bạn tù, kêu gọi họ nổi dậy chống thực dân. Biết không thể khuất phục được Lương Ngọc Quyến, giữa năm 1916 thực dân Pháp đưa ông lên đề lao Thái Nguyên chịu cực hình khổ sai. Tại đây, ông đã tìm được người đồng chí mới là Đội Cấn, viên khố đội xanh yêu nước đang phục vụ trong cơ binh Pháp. Ban Chỉ huy khởi nghĩa được thành lập, huy động lực lượng lính khố xanh từ các trại tỉnh lỵ, các đồn lân cận, tù chính trị và tù thường phạm giác ngộ, người dân địa phương đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên làm căn cứ. Cả nghĩa quân được tổ chức thành 8 đội, đào công sự, ngăn giữ các hướng ra vào. Lương Ngọc Quyến chỉ huy tuyến phòng thủ bên ngoài, Đội Cấn trấn phía trong. Hốt hoảng trước việc tỉnh lỵ Thái Nguyên bị nghĩa quân chiếm đóng, thực dân Pháp đã điều lực lượng hùng mạnh có pháo binh, tàu chiến yểm trợ. Nghĩa quân của Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn đã kháng cự quyết liệt, diệt được 107 tên, sát thương 17 tên. Trước kẻ địch mạnh gấp nhiều lần, nghĩa quân dần tiêu hao lực lượng, buộc phải rút lui. Trong lần rút chạy đó, Lương Ngọc Quyến đã anh dũng hy sinh. Tuy chỉ giành độc lập vỏn vẹn trong 7 ngày nhưng cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn, là mốc son trong phong trào yêu nước theo đường lối bạo động trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, nêu gương sáng cho thế hệ thanh thiếu niên đời sau.

        4. Để tưởng nhớ công lao to lớn của nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến, vào ngày 30/08 hằng năm lãnh đạo xã Vô Tranh, cán bộ, công chức cùng nhân dân trên địa bàn xã lại tổ chức dọn dẹp, chỉnh trang và dâng hương tại khu Di tích. Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những bậc cha, ông đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước. Là tấm gương sáng để người dân tiếp nối truyền thống vinh quang; Trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của Nhà nước, của Bác Hồ; Ra sức thi đua, học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

votranh.phuluong.thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1502745